Nội chiến Hoa Kỳ Thaddeus_Stevens

Chế độ nô lệ

Khi chiến tranh bùng nổ vào tháng 4 năm 1861, Stevens lập luận rằng quân Liên minh miền Nam là phe cách mạng đáng bị tiêu diệt. Ông tin rằng họ đã đặt mình ra ngoài khuôn khổ được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ khi tuyên chiến, và khi Hoa Kỳ tái thành lập thì chế độ nô lệ sẽ không còn chỗ để tồn tại. Chủ tịch Hạ viện Galusha Grow, một người cùng quan điểm với Stevens trong nhóm Cộng hòa Cấp tiến (vì lập trường của họ đối với chế độ nô lệ, khi so với nhóm Cộng hòa Bảo thủ hay Ôn hòa), đã bổ nhiệm ông làm Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện. Vị trí này đã cho ông quyền sắp đặt trình tự chương trình Hạ viện.[62]

Vào tháng 7 năm 1861, Stevens đã dẫn lái để thông qua một đạo luật tịch thu tài sản, trong đó có người nô lệ, từ tay một số người phiến loạn. Tháng 11 cùng năm, ông đề xuất một nghị quyết nhằm thả tự do tất cả các nô lệ, nhưng không thành công.[40] Tuy nhiên, ông đã thông qua được dự luật bãi nô tại thủ đô Washington D.C. và tại các lãnh thổ. Đến tháng 3 năm 1862, Lincoln chỉ công khai ủng hội dần dần bãi nô tại các tiểu bang biên giới, và chính phủ liên bang sẽ bồi thường những chủ nô, khiến Stevens bực tức.[63]

Stevens và một số nghị sĩ cấp tiến khác cảm thấy thất vọng với sự chậm trễ của Lincoln trong việc làm theo chính sách của họ về vấn đề bãi nô; theo Brodie thì "Lincoln hiếm khi đi theo kịp Stevens, mặc dù cả hai đang đồng hành đến chân trời tươi sáng."[64] Tháng 4 năm 1862, Stevens viết trong một lá thư thư gửi một người bạn: "Đối với hy vọng cho tương lai thì xấu vì Lincoln là kẻ vô danh tiểu tốt."[65] Những người cấp tiến tiếp tục đẩy mạnh vấn đề, khiến Lincoln phải nói: "Stevens, Sumner và [Thượng nghị sĩ Massachusetts Henry] Wilson cứ quấy rầy tôi với đòi hỏi về một Tuyên ngôn Giải phóng. Dù tôi đi bất cứ nơi đâu, quay đến hướng nào, họ cứ theo đuổi tôi, nhưng trong trái tim tôi vẫn có một niềm tin sâu sắc là thời khắc [để tuyên bố] chưa đến."[66] Tổng thống nói rằng nếu đến lúc phải chọn lựa giữa những người cấp tiến và những kẻ thù của họ, ông buộc phải theo Stevens và những người theo ông, và cho rằng họ là "ma quỷ khó đối phó nhất trên đời", nhưng "gương mặt họ...luôn hướng về Zion."[67] Dù Lincoln đã soạn tuyên ngôn của mình vào tháng 6 và 7 năm 1862, chỉ có Nội các được biết bí mật này, và ông đã bỏ qua các lời khẩn cầu từ phe cấp tiến cho đến sau khi Liên bang miền Bắc chiến thắng trong Trận Antietam vào tháng 9 mới phát hành tuyên ngôn. Stevens nhanh chóng sử dụng Tuyên ngôn giải phóng nô lệ này trong chiến dịch tái tranh cử thành công của mình.[68] Khi Quốc hội họp lại vào tháng 12, Stevens tiếp tục chỉ trích các chính sách của Lincoln, cho rằng chúng "đáng bị cộng đồng lên án".[69] Stevens phản đối kế hoạch đưa những người nô lệ được thả tự do ra nước ngoài định cư của Lincoln, mặc dù ông có khi ủng hộ các đề xuất di cư vì lý do chính trị.[70] Trong một bức thư Stevens gửi một người cháu trai vào tháng 6 năm 1863, ông viết "Những người nô lệ nên được kích động nổi dậy để cho bọn phiến loạn nếm mùi được nội chiến thật sự như thế nào."[71]

Trong lúc quân miền Nam tiến vào miền Bắc giữa năm 1863 mà cao trào là Trận Gettysburg, quân miền Nam đã hai lần điều phái quân đến cơ sở Lò rèn Caledonia của Stevens. Stevens khi đang ở đó để giám sát công việc, đã bị nhân viên của mình đưa đi nơi khác. Tướng Jubal Early đã cho cướp bóc và phá hoại Lò rèn, khiến Stevens thiệt hại đến khoảng $80.000. Early nói rằng phe miền Bắc cũng làm việc như vậy đối với các nhân vật miền Nam, và Stevens đã nổi tiếng về sự thù oán đối với miền Nam.[72] Khi được hỏi liệu ông có đưa vị dân biểu vào Nhà tù Libby ở Richmond hay không, Early trả lời rằng nếu bắt được Stevens thì ông sẽ cho treo cổ rồi chia xương cốt cho các tiểu bang miền Nam.[73]

Stevens thúc đẩy Quốc hội thông qua một tu chính án bãi bỏ chế độ nô lệ. Tuyên ngôn giải phóng nô lệ chỉ là biện pháp thời chiến, không áp dụng cho tất cả nô lệ, có thể sẽ bị hủy bỏ trong một tòa án lúc thời bình; một tu chính án sẽ kết liễu chế độ nô lệ.[40] Tu chính án thứ 13[lower-alpha 1] – cấm chế độ nô lệ  – dễ dàng thông qua Thượng viện, nhưng thất bại tại Hạ viện vào tháng 6; do lo sợ không thể thông qua lần tiếp nên một nỗ lực lần hai bị trì hoãn.[75] Sau khi tái đắc cử năm 1864, Lincoln hăng hái vận động cho tu chính án, và Stevens miêu tả thông điệp thường niên của Lincoln vào tháng 12 là "thông điệp quan trọng nhất và tốt nhất đã truyền đạt tới Quốc hội trong vòng 60 năm qua".[76] Stevens kết thúc cuộc tranh luận cho tu chính án vào ngày 13 tháng 1 năm 1865. Dân biểu Illinois Isaac Arnold viết: "các quân nhân và dân chúng ưu tú đã ngồi vào tất các các chỗ ngồi có sẵn, để nghe cụ già hùng hồn nói chuyện để kết thúc cuộc chiến chống lại chế độ nô lệ dài 40 năm."[77]

Tu chính án được thông qua với tỷ lệ sít sao sau khi chính Lincoln phải bỏ công gây áp lực, cùng với hứa hẹn bổ nhiệm chức vụ cho cuộc "vận động Seward". Phe Dân chủ cáo buộc có sự mua chuộc;[78][79] Stevens tuyên bố "Biện pháp vĩ đại nhất thế kỷ 19 đã được thông qua bằng tham nhũng, được người trong sạch nhất nước Mỹ giúp đỡ và tiếp tay."[80] Tu chính án được tuyên bố thông qua vào ngày 18 tháng 12 năm 1865. Stevens tiếp tục thúc giục diễn giải nó một cách mở rộng rằng nó chẳng những chính thức kết thúc chế độ nô lệ, mà còn bao gồm cả công lý về kinh tế.[81][82]

Sau khi thông qua Tu chính án thứ 13, Quốc hội đã tranh luận về các quyền kinh tế của những người mới được thả tự do. Theo thúc giục của Stevens,[50] quốc hội thành lập Cơ quan Tỵ nạn, Người tự do, và Đất bỏ hoang với nhiệm vụ (nhưng không có ngân sách) thành lập trường học và phân phối "không hơn bốn mươi mẫu Anh" [16 hécta] đất tịch thu từ miền Nam cho mỗi hộ gia đình người nô lệ được thả tự do.[83]

Chi tiêu chiến tranh

Stevens phối hợp chặt chẽ với các viên chức trong chính quyền Lincoln trong các đạo luật chi tiêu chiến tranh. Trong vòng một ngày sau khi được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Tài chính, ông đã đưa báo cáo cho một dự luật vay mượn cho chiến tranh. Theo sau đó là các đạo luận trả lương cho các binh lính lính mà Lincoln đã động viên và cho phép chính quyền vay mượn tiền để tiến hành chiến tranh. Các đạo luật này đã được Stevens dẫn lái thông qua Hạ viện. Để đối phó các mánh khóe làm trì hoãn của phe Rắn hổ mang (Copperhead) chống đối, ông đã cho Hạ viện giới hạn thời gian tranh luận xuống còn nửa phút.[84]

Stevens đóng vai trò lớn trong việc thông qua Đạo luật Phương tiện thanh toán Hợp pháp 1862, lần đầu tiên mà chính phủ liên bang Hoa Kỳ phát hành tiền dựa vào tín nhiệm thay vì vàng hay bạc. Một số biện pháp tạm thời để gây quỹ như trái phiếu chiến tranh đã thất bại khi người ta thấy rõ rằng chiến tranh sẽ tiếp diễn lâu dài.[85] Trong năm 1863, Stevens góp phần thông qua Đạo luật Ngân hàng Quốc gia đòi hỏi các ngân hàng hạn chế số tiền lưu hành dưới số trái phiếu liên bang mà chúng cần phải giữ. Hệ thống này tồn tại trong nửa thế kỳ đến khi được Hệ thống Dự trữ Liên bang thay thế vào năm 1913.[86]

Dù đạo luật Phương tiện thanh toán Hợp pháp cho phép chính phủ trả nợ nần bằng tiền giấy, Steven không thuyết phục được Thượng viện cho trả tiền lãi khoản nợ quốc gia bằng tiền giấy greenback.[87] Trong lúc tiền giấy ngày càng mất giá, Stevens đã lên án những nhà đầu cơ vàng, và trong tháng 6 đã đề xuất Dự luật Vàng sau khi tham khảo ý kiến của Bộ trưởng Ngân khố Salmon P. Chase – đây là dự luật nhằm hủy bỏ thị trường vàng qua việc cấm môi giới mua vàng hay phân phát vàng trong tương lai. Dự luật được thông qua vào tháng 6; tuy nhiên các hỗn loạn diễn ra do thiếu thị trường vàng có tổ chức đã khiến tiền giấy mất giá càng nhanh hơn trước. Dưới áp lực nặng nề từ giới kinh doanh, Quốc hội phải bãi bỏ đạo luật vào ngày 1 tháng 7, chỉ 12 ngày sau khi thông qua.[88] Stevens không tỏ ra hối hận kể cả khi tiền giấy tăng giá lại vào cuối năm 1864 giữa dự tính miền Bắc chiến thắng, và đã đề xuất dự luật nhằm ngăn cấm việc trả thêm để đổi tiền giấy lấy tiền vàng đúc. Dự luật này không được thông qua.[89]

Cũng như hầu hết các chính khách Pennsylvania lưỡng đảng, Stevens ủng hộ thuế quan, được tăng từ 19% đến 48% trong những năm tài khóa 1861 đến 1865.[90][91] Theo nhà hoạt động Ida Tarbell trong bài "Thuế quan trong thợi đại của chúng ta": "Đối với Stevens, mức thuế [nhập khẩu] không bao giờ là quá cao, đặc biệt là đối với sắt, vì ông là một nhà sản xuất và người ta thường nói tại Pennsylvania rằng mức thuế mà ông đề xuất không phải đại diện các lợi ích sắt của tiểu bang, mà là được nâng cao để đáp ứng các nhu cầu của những công trình bị hư hại nặng ...của chính ông ta."[92]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thaddeus_Stevens http://www.britannica.com/EBchecked/topic/565949 http://www.historynet.com/thaddeus-stevens.htm http://jacobinmag.com/2012/11/lincoln-against-the-... http://search.proquest.com/docview/304361240 http://digitalcommons.buffalostate.edu/cgi/viewcon... http://housedivided.dickinson.edu/sites/emancipati... http://www.gettysburg.edu/about/college_history/ http://quod.lib.umich.edu/j/jala/2629860.0021.104?... http://bioguide.congress.gov/scripts/biodisplay.pl... http://bioguide.congress.gov/scripts/guidedisplay....